Sữa mẹ - Nguồn kháng thể đầu đời của bé

Nuôi con bằng sữa mẹ luôn là phương pháp nuôi trẻ được khuyến nghị từ các tổ chức y tế danh tiếng thế giới bởi những lợi ích của sữa mẹ đối vé sự phát triển toàn diện của bé. Không đơn giản mà sữa mẹ được coi là nguồn “chất lỏng vàng” dành cho bé, ngoài việc là “thức ăn” quan trọng nhất cung cấp dưỡng chất cho bé khi mới chào đời, đặc biệt hơn, sữa mẹ còn là nguồn cung cấp kháng thể duy nhất khi bé mới ra đời để giúp bé chống lại bệnh tật và tác nhân viêm nhiễm thông thường.

 

Lợi ích của sữa mẹ trong việc cung cấp kháng thể bảo vệ bé

Nếu khi còn trong bụng mẹ, bé gần như được bảo vệ một cách hoàn hảo trong túi nước ối, thì khi bé chào đời, mất đi sự bảo vệ của mẹ, cơ thể bé sẽ phải học cách tự bảo vệ mình, hệ miễn dịch của bé cần phải phát triển, tự sản sinh ra kháng thể để chống lại những tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng,…

Trong 6 tháng đầu sau sinh, khi hệ miễn dịch của bé còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc thiếu hụt kháng thể khiến trẻ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, dễ bị các tác nhân xấu tấn công hơn. Nhưng thật kỳ diệu, cơ chế sinh học tự nhiên luôn biết cách cân bằng mọi thứ. Sữa mẹ chính là nguồn cung cấp kháng thể tự nhiên cho bé trong giai đoạn này, giúp bé chống lại một số bệnh miễn dịch hay dị ứng.

 

IgA - “Kháng thể vàng” bên trong sữa mẹ

Sữa mẹ chứa nhiều loại kháng thể khác nhau như IgA, IgE, IgG, IgM,… Các kháng thể này không chỉ có khả năng chống lại một số bệnh thông thường mà còn có tác dụng chống lại một số bệnh liên quan đến dị ứng như dị ứng sữa, bệnh chàm,… Trong đó, kháng thể IgA có tỷ lệ cao nhất, chiếm hơn 90% thành phần kháng thể bên trong sữa mẹ và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ bé.

Kháng thể IgA có khả năng bao phủ quanh đường ruột và đường hô hấp của bé, giúp ngăn chặn các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể và máu của bé. Khi bé mới sinh ra, hàm lượng kháng thể IgA bên trong cơ thể rất thấp, và hệ miễn dịch của bé cần nhiều tuần đến nhiều tháng sau đó mới có khả năng sản xuất thêm nhiều kháng thể IgA, cũng như các kháng thể khác. Nhưng may mắn thay, trong vòng 4 - 6 tháng đầu đời, bé sẽ nhận được lượng kháng thể IgA cao từ sữa mẹ.

Lượng kháng thể IgA trong sữa mẹ cao gấp 10-100 lần so với ở trong máu và lượng kháng thể này sẽ được truyền qua cho bé khi mẹ cho bé bú. Sau đó, các kháng thể IgA sẽ đi vào đường tiêu hoá và đường hô hấp của bé, trở thành lớp rào chắn bảo vệ, ngăn các các tác nhân lạ xâm nhập, từ đó bảo vệ bé khỏi một số bệnh viêm nhiễm, dị ứng thông thường. 

 

Lợi ích của sữa mẹ trong việc thúc đẩy phát triển hệ miễn dịch của bé

Không chỉ cung cấp kháng thể để giúp bé miễn dịch thụ động (miễn dịch nhờ kháng thể của mẹ), trong sữa mẹ còn chứa các thành phần sinh học cần thiết như hormone, yếu tố tăng trưởng, hệ vi sinh vật đường ruột, cũng như các thành phần dưỡng chất cần thiết có khả năng thúc đẩy sự phát triển hệ miễn dịch của bé, giúp bé dần hoàn thiện rào chắn bảo vệ cơ thể, tăng sức đề kháng để tự chống lại các tác nhân có hại sau này.

Ngoài ra, việc trẻ sơ sinh bú sữa mẹ cũng giúp hạn chế khả năng bé tiếp xúc với các mầm mống gây bệnh từ bên ngoài, giảm tỷ lệ nhiễm trùng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp bé giảm nguy cơ mắc các bệnh sau:

  • Viêm tai giữa. 

  • Nhiễm trùng đường hô hấp. 

  • Cảm lạnh và cúm. 

  • Nhiễm trùng đường ruột.

  • Bệnh viêm ruột.

  • Bệnh tiểu đường.

  • Bệnh máu trắng ở trẻ em.

  • Béo phì.

 

Tăng chất và lượng sữa để kéo dài thời gian nuôi con bằng sữa mẹ

Lợi ích của sữa mẹ đối với hệ miễn dịch của bé chính là điểm mấu chốt khiến không có bất kì một loại thực phẩm nào có khả năng thay thế sữa mẹ, kể cả sữa công thức. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng: Cần cho bé bú sớm trong vòng 1 giờ sau khi sinh và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, sau đó cho trẻ ăn bổ sung kết hợp với bú sữa mẹ từ 6 đến 24 tháng tuổi. Do đó, việc tăng chất lượng và số lượng sữa mẹ để kéo dài thời gian nuôi con bằng sữa mẹ là một việc hết sức quan trọng.

Theo Bác sĩ  Lê Thị Hải - Nguyên giám đốc Trung tâm Dinh Dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: “Số lượng và chất lượng sữa mẹ phụ thuộc rất nhiều vào thực phẩm mà mẹ bổ sung hàng ngày.” Trong chế độ ăn hằng ngày, mẹ cần cân đối đủ 4 nhóm dưỡng chất: tinh bột, đạm, béo và vitamin & khoáng chất.

Theo khuyến cáo từ Viện Dinh Dưỡng, chế độ dinh dưỡng của mẹ cho con bú cần tuân theo tháp dinh dưỡng dưới đây:

Tháp dinh dưỡng cụ thể dành cho mẹ cho con bú. Nguồn: Viện Dinh Dưỡng.

 

Như vậy, sữa mẹ có lợi ích rất quan trọng đối với việc tăng sức đề kháng ở trẻ và bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh. Mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để nguồn sữa mẹ luôn thật dồi dào và chất lượng. Với nguồn sữa chất lượng nhất đến từ NewZealand, chỉ với 2 ly sữa Anmum Materna mỗi ngày, mẹ đã bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cho ra nguồn sữa mẹ mát lành tuyệt vời nhất!

 

Nguồn:

  1. https://www.healthline.com/health/breastfeeding/breast-milk-antibodies#benefits

  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5447027/

  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9892025/

  4. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12592775/

  5. https://fedisbest.org/2020/01/will-breast-milk-protect-my-baby-from-getting-sick-passive-immunity-101/

  6. https://www.verywellfamily.com/immunoglobulins-antibodies-in-breast-milk-431993

  7. https://www.tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/nuoi-con-bang-sua-me/chong-do-virus-bang-sua-me/

  8. http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-ba-me/mon-an-loi-sua.html