Các vấn đề sức khỏe thường gặp trong thai kỳ

sfffrggdg

Mang thai là khoảng thời gian đặc biệt thú vị nhưng cũng lắm những triệu chứng khó chịu. Bạn sẽ mất thời gian để quen dần với những thay đổi đó, nhưng thật ra, các triệu chứng này hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là phải biết cách nhận biết, xử lý các triệu chứng, và nơi nào để tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.

Hầu hết các bà mẹ mang thai đều trải qua các vấn đề sức khỏe tương tự nhau. Chúng là các dấu hiệu rất bình thường và liên quan đến sự thay đổi hocmon nhanh chóng trong cơ thể các bà mẹ. Dù chúng gây ra vô số cảm giác khó chịu nhưng hiểu về các vấn đề này sẽ giúp bạn đối phó tốt hơn. Sau đây là một số vấn đề sức khỏe thường gặp ở phụ nữ mang thai:

Ốm nghén hoặc buồn nôn – Cứ 4 thai phụ sẽ có 3 người bị ốm nghén hoặc buồn nôn. Đây là triệu chứng khá phổ biến. vì vậy bạn không cần quá lo lắng. Ở một số người, ốm nghén xảy ra ngay khi thức dậy, trong khi với những người khác, nó có thể kéo dài cả ngày. Ốm nghén thường biến mất khi kết thúc tháng thứ 3 thai kỳ, nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến 20 tuần. Ốm nghén có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và khiến bạn gặp khó khăn khi làm việc hoặc chăm sóc trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây ra ốm nghén vẫn chưa được làm rõ bởi vì chúng diễn ra khác nhau ở từng cơ thể, do đó, điều quan trọng là tìm ra cách điều trị chúng.

Chứng ợ nóng, trào ngược axit, khó tiêu và táo bón - các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa này xảy ra với ba trên bốn phụ nữ và thường liên quan mật thiết với các triệu chứng buồn nôn. Đừng quá lo lắng! Tin vui là, chế độ ăn kiêng, thay đổi lối sống và điều trị y tế là những giải pháp hiệu quả cho trường hợp này đấy!

Bệnh tiểu đường thai kỳ - đây là bệnh có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai liên quan đến nồng độ đường trong máu cao. Tất cả thai phụ nên khám sàng lọc tiểu đường trong suốt thai kỳ để đảm bảo sức khỏe. Nếu bạn được chẩn đoán mắc chứng tiểu đường thai nghén, bạn sẽ được các chuyên gia cho lời khuyên về các chất dinh dưỡng cần thiết, cách sinh hoạt cũng như các biện pháp chăm sóc thường xuyên.

Có những cách điều trị nào?

Ốm nghén hay buồn nôn

Quan trọng là phải điều trị sớm – đừng chờ đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Loại thuốc thường được khuyên dùng là metoclopramide, ngoài ra cũng có một số loại khác như prochlorperazine, promethazine và diphenhydramine. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ đa khoa hoặc sản khoa để được kê toa các loại thuốc an toàn và phù hợp với bạn để nhanh có kết quả. Dù sử dụng loại thuốc nào thì bạn cũng cần sử dụng chúng theo đúng hướng dẫn.

Dùng thử gừng - dưới dạng nước gừng, trà gừng, bánh quy gừng, hoặc hoạt chất bổ sung gừng có sẵn trong các cửa hàng thực phẩm. Các dạng Vitamin như B6 (có thể dùng đến 200 mg mỗi ngày) cũng đem đến hiệu quả tích cực và có thể mua tại nhà thuốc với sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, một số phụ nữ mang thai cảm thấy tốt hơn khi họ sử dụng các vòng bấm huyệt (nhấn vào huyệt P6 trên cổ tay). Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lưa chọn bất kỳ phương pháp hỗ trợ nào.

Thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể giúp cải thiện  các triệu chứng nói trên, chẳng hạn như bạn nên chia nhỏ bữa ăn thành những bữa ăn nhẹ giàu dinh dưỡng (mỗi bữa ăn cách nhau 1-2 giờ), uống đủ nước, tách riêng đồ ăn và thức uống (uống nước 20 phút trước hoặc sau khi ăn) và tránh một số loại thực phẩm (béo, cay, hoặc bất cứ thứ gì gây buồn nôn). Bạn có thể ăn hay uống bất cứ thứ gì phù hợp miễn là cảm giác buồn nôn không xảy ra.

Chứng ợ nóng, trào ngược axit, khó tiêu và táo bón

Với chứng ợ nóng, việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để làm giảm ốm nghén cũng thích hợp để giải quyết triệu chứng này. Dùng gối nâng phần trên của cơ thể mỗi khi nằm xuống có thể giúp làm giảm chứng ợ nóng. Tương tự, việc giữ cho cơ thể đứng thẳng sau khi ăn cũng có thể giúp giảm ợ nóng và trào ngược. Bạn cũng nên tận hưởng không khí trong lành bằng cách đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn và giúp quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn.

Bác sỹ có thể chỉ định thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai để điều trị ợ nóng. Các loại thuốc thường dùng là các thuốc kháng axit chứa nhôm, canxi hoặc magiê. Tuy nhiên, bạn không được uống quá nhiều trong cùng một ngày hoặc uống trong thời gian dài, luôn đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và nếu có thắc mắc liên quan đến sức khỏe, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Các bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc ngăn chặn histamine (H2) như ranitidine, chẳng hạn, để điều trị ợ nóng.

Để điều trị táo bón, trước tiên bạn cần uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên và tăng cường chất xơ cho bữa ăn (ngũ cốc, bánh mì và các loại đồ ăn nhẹ, ăn nhiều trái cây và rau củ). Mặc dù cách này có thể giải quyết táo bón ở hầu hết phụ nữ nhưng vẫn có những trường hợp không mang lại hiệu quả. Vì vậy nếu không thể khắc phục tình trạng táo bón, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ về việc sử dụng thuốc nhuận trường. Đa phần những loại thuốc này đều an toàn cho cơ thể nếu bạn sử dụng chúng trong thời gian ngắn. Những loại thuốc nhuận trường tạo khối dạng bột như Psyllium hoặc dạng sợi như Docusate Sodium có thể được sử dụng lâu dài và theo đúng hướng dẫn.

Bạn cũng nên biết, quá trình chậm chuyển động của ruột do nồng độ progesterone tăng cao chính là nguyên nhân gây táo bón ở hầu hết phụ nữ.

Bệnh tiểu đường thai kỳ

Việc phát hiện và kiểm soát tiểu đường thai kỳ được thực hiện ngay từ giai đoạn sớm của quá trình mang thai. Các chuyên gia y tế sẽ tiến hành việc định lượng đường trong máu của bạn liên tục trong 3 tháng để đánh giá tình trạng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu cao, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ và can thiệp khi cần thiết bởi các bác sỹ chuyên khoa.

Thời điểm kế tiếp để làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là từ tuần 24 đến tuần 28, các bác sĩ sẽ tiến hành sàng lọc bằng cách thử lượng đường trong khoảng thời gian là một giờ (còn được gọi là "polycose"). Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ thì bạn sẽ được khuyên làm tiếp xét nghiệm chẩn đoán. Đây là cách xét nghiệm nhanh nhằm kiểm tra độ dung nạp glucose trong hai giờ. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường thai kỳ cũng đừng quá lo lắng vì có nhiều cách để tự chăm sóc sức khỏe của chính mình. Các bác sĩ chuyên môn sẽ đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống và lối sống cho bạn cũng như các biện pháp chăm sóc sức khỏe liên tục. Đối với hầu hết phụ nữ mắc tiểu đường trong thai kì, triệu chứng này sẽ tự hết sau khi sanh em bé.

Một số cách thông thường giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh

Nhớ rằng một khi bạn khỏe mạnh thì con bạn cũng khỏe mạnh. Bên cạnh những cách đặc trị các vấn đề sức khỏe nói trên, cũng có những cách đơn giản khác giúp giảm thiểu chúng. Dưới đây là một số cách thông thường mà bạn có thể áp dụng:

Ăn uống lành mạnh, hợp lý - nghĩa là bạn chỉ sử dụng những chất dinh dưỡng mà bạn và bé cần. Bạn có thể tham khảo những chỉ dẫn về cách ăn uống khi mang thai trên bài báo Healthy Eating During Pregnancy (Ăn Uống Lành Mạnh trong thai kỳ) hoặc hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn. 

Tập thể dục thường xuyên - tập thể dục vừa phải 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, được xem là rất tốt cho quá trình mang thai để duy trì sức khoẻ và cân nặng cơ thể. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi bắt đầu một bài thể dục mới.

Giấc ngủ - Thật không dễ để có được một giấc ngủ ngon, nhất là khi bạn đang trải qua các triệu chứng khó chịu. Nhưng hãy nhớ rằng bạn càng có nhiều thời gian ngủ thì bạn càng cảm thấy dễ chịu hơn. Việc lên lịch đi ngủ, nói không với thiết bị công nghệ, hoặc làm cho chiếc giường êm ái hơn có thể giúp bạn thư giãn và được nghỉ ngơi.

Đừng từ chối sự trợ giúp – khi mang thai, có những lúc bạn sẽ cảm thấy rất căng thẳng. Đừng ngần ngại kêu gọi sự trợ giúp từ bạn bè, gia đình và hàng xóm. Họ có thể giúp bạn nấu một bữa ăn, trông nom trẻ nhỏ trong vài giờ hoặc đơn giản là phơi đồ dùm bạn.

Chăm sóc đúng ngay từ đầu

Để đảm bảo có được thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, thai phụ nên sớm gặp gỡ những chuyên gia về thai sản – thông thường là người hộ sản. Họ sẽ cung cấp các thông tin đáng tin cậy cũng như đưa ra những lời khuyên hữu ích cho thai kỳ của bạn.