Hội chứng quấy khóc ở bé và các triệu chứng

Colic là tên gọi hội chứng quấy khóc quá mức và xảy ra thường xuyên ở bé sơ sinh, khác với bé khóc vì đau ốm hoặc ăn uống không đầy đủ. Hội chứng quấy khóc gây lo lắng cho tất cả các bậc phụ huynh vì bé có thể kiệt sức do khóc nhiều giờ trong ngày.

Tuy nhiên, hội chứng này thường xảy ra khi bé vài tuần tuổi và biến mất sau 3 tháng đầu tiên.

Dấu hiệu bé mắc chứng quấy khóc

Thông thường, các dấu hiệu nhận biết trẻ quấy khóc sẽ là:

Bé khóc lớn và dữ dội. Mặt bé luôn có biểu hiện khó chịu, không thoải mái và hay đỏ bừng. Bé mắc hội chứng quấy khóc luôn cảm thấy khó chịu và khóc suốt vài giờ.

Thời điểm khóc có thể dự đoán. Hội chứng quấy khóc thường có xu hướng xảy ra vào cùng thời điểm mỗi ngày, thường vào lúc chiều muộn hoặc buổi tối.

Khóc không có lý do. Khi đói hoặc cần thay bỉm, bé cũng có thể khóc. Đó là dấu hiệu bình thường nhưng với hội chứng quấy khóc, bé có thể khóc cả khi chúng được ăn no, bỉm sạch và sức khỏe tốt.

Thay đổi tư thế. Bé thường nắm chặt tay, cuộn tròn chân và cuộn ưng khi khóc.

Khi bé quấy khóc, bé dường như rất khó chịu  Nhưng thật ra những cơn khóc đó hoàn toàn không gây ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên, bé cần được cho ăn và chăm sóc bình thường để hỗ trợ sức khỏe.  

Để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn liên quan đến sức khỏe, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ khi thấy bé quấy khóc dữ dội. Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu da hoặc môi bé chuyển sang tím tái (đây có thể là dấu hiệu thiếu oxy) hoặc nhận thấy bất kỳ sự thay đổi bất thường  nào về ăn uống, cân nặng, giấc ngủ hoặc các hành vi khác của bé.

Nguyên nhân của hội chứng quấy khóc

Hội chứng quấy khóc xảy ra ở cả bé trai và bé gái với tỉ lệ ngang nhau, kể cả trẻ bú mẹ hoặc bú bình. Dù có nhiều nghiên cứu được thực hiện về hội chứng này nhưng đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Để giảm bớt tình trạng quấy khóc ở trẻ, nhiều bà mẹ cho con bú thường thử bỏ qua các loại thực phẩm như cải bắp, bông cải xanh, hành, sữa bò hoặc sôcôla. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy bé quấy khóc là do chế độ ăn của mẹ.

Vì vậy, nếu bạn đang cân nhắc loại bỏ một số loại thực phẩm ra khỏi bữa ăn, bạn nên hỏi ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng. Bằng cách đó bạn có thể đảm bảo lượng dinh dưỡng thiết yếu trong thời điểm nhạy cảm này.

Mẹo giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn

Thực tế, không có phương pháp nào có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp bé quấy khóc. Tuy nhiên, có một số mẹo nhỏ có thể giúp bé bớt khóc mà bạn có thể áp dụng trước khi thay đổi chế độ ăn hoặc sữa cho bé:

  • Giữ cho cơ thể của bé thẳng đứng, nhất là khi cho bé bủ. Điều này giúp bé không nuốt không khí vào trong cơ thể.
  • Vuốt hoặc vỗ nhẹ vào lưng bé, giúp bé ợ lên sau khi bú xong. Bạn cũng có thể thực hiện việc này khi tạm dừng cho bé bú.
  • Khi bé khóc hãy ôm bé vào lòng. Những cử chỉ âu yếm có thể giúp xoa dịu tình trạng quấy khóc ở một số bé
  • Địu bé ở trước ngực để những cử động nhẹ nhàng và gần gũi có thể giúp bé hết khóc
  • Lắc lư bé một cách nhẹ nhàng. Đặt bé lên vai, trên tay, xe đẩy hoặc đưa bé đi dạo xung quanh, cũng có tác dụng giúp bé bớt quấy khóc
  • Xoa bóp nhẹ nhàng phần bụng của bé hoặc cho bé tắm nước ấm để bé cảm thấy dễ chịu

Hội chứng quấy khóc làm đau đầu các bậc cha mẹ vì xót con nhưng cũng đừng vì thế mà quên chăm sóc sức khỏe bản thân. Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè hay gia đình để có thêm thời gian nghỉ ngơi và ăn uống lành mạnh. Cần nhớ rằng hội chứng quấy khóc không phải do bạn nuôi con thiếu trách nhiệm mà chỉ là một quá trình bình thường và có tính tạm thời mà thôi.